Cuộc đời Phục_Thọ

Thân thế

Hiếu Hiến Phục hoàng hậu, húy Thọ (壽), người huyện Đông Vũ, quận Lang Tà của Từ Châu (nay là Chư Thành, tỉnh Sơn Đông), hậu duệ 8 đời của Đại Tư đồ thời Tây HánPhục Trạm (伏湛), phụ thân là Phò mã Đồn kỵ hiệu úy, thừa tước Bất Kỳ hầu Phục Hoàn (伏完). Phục Hoàn lấy Dương An Trưởng công chúa Lưu Hoa - con gái Hán Hoàn Đế - nên làm đến chức Thị trung. Nhưng Phục Thọ không phải là Dương An công chúa sinh ra, mẹ bà tên là Doanh (盈), không rõ họ gì[1].

Năm Sơ Bình nguyên niên (190), quyền thần Đổng Trác đang khống chế Hán Hiến Đế bị chư hầu chống lại, mang Hán Hiến Đế từ Lạc Dương về Trường An. Năm đó Hiến Đế mới 10 tuổi. Phục Thọ nhập cung trở thành phi tần của Hiến Đế, làm Quý nhân[2].

Lập làm Hoàng hậu

Năm Hưng Bình thứ 2 (195), Hán Hiến Đế mới 15 tuổi, lập Phục Thọ làm Hoàng hậu. Cha bà Phục Hoàn, do là quốc trượng được phong làm Chấp kim ngô (执金吾)[3].

Vào lúc này, Hán Hiến Đế đang bị Lý ThôiQuách Dĩ khống chế. Lý Thôi và Quách Dĩ cùng muốn một mình làm chủ triều đình nên trở mặt đánh nhau. Kinh thành Trường An đổ nát vì binh hỏa, nên Hán Hiến Đế và Phục hậu bị Lý Thôi mang từ trong cung vào doanh trại giam lỏng, Quách Dĩ cũng bắt giữ một số đại thần[4]. Tướng Trương Tế từ Hoằng Nông kéo về kinh thành giảng hòa hai người và khuyên Lý, Quách hãy để Hiến Đế rời Quan Trung về quận Hoằng Nông. Hán Hiến Đế cũng sai người đi xin Lý Thôi cho mình rời khỏi doanh trại về Hoằng Nông. Sau hơn 10 lần sứ giả đi lại, Lý Thôi mới đồng ý[5].

Tháng 7 năm đó, Phục hoàng hậu theo Hán Hiến Đế cùng công khanh từ doanh Bắc Ổ của Lý Thôi (ngoài thành Trường An) lên đường, định đi từ Hoàng Hà đến Sơn Tây, lục cung phi tần đều đi bộ ra theo, Phục hậu mang trên tay là các sổ sách cùng áo lụa. Khi ấy, Đổng Thừa kêu Phù Tiết lệnh Tôn Huy cầm đao giết hết người hầu, máu vấy lên bẩn cả áo Phục hậu[6].

Mưu trừ Tào Tháo

Năm sau (196), Thứ sử Duyện châu là Tào Tháo đón Hiến Đế về Hứa Xương. Từ đó Hiến Đế bị Tào Tháo khống chế. Đổi niên hiệu thành Kiến An, gọi là Kiến An nguyên niên. Cha bà Phục Hoàn được bái Phụ quốc Tướng quân (輔國將軍), nghi chế ngang với Tam công. Không lâu sau nhậm Trung tán đại phu (中散大夫), lại chuyển thành Truân kỵ Giáo úy (屯骑校尉)[7].

Từ khi đến Hứa Xương, Hiến Đế bị người của Tào Tháo giam lỏng nên bất mãn. Có Thị lang tên Triệu Ngạn (赵彦) bày giúp cách cho Hiến Đế, liền bị Tào Tháo giết chết. Còn lại những người bất hòa với Tào Tháo, đa số đều bị sát hại. Một hôm, Tào Tháo lại vào điện triệu kiến, Hán Hiến Đế giận dữ nói:"Nếu ngài tương trợ ta, ta hi vọng ngài có thể đối đãi ta tử tế. Còn không, chi bằng cứ vứt bỏ ta đi thì hơn!". Tào Tháo nghe thế hoảng hốt, mồ hôi ướt đẫm, từ đó không triều kiến Hiến Đế nữa. Khi ấy Đổng Thừa mưu phản bị giết, con gái Thừa là Đổng Quý nhân đang mang thai, Hiến Đế cầu xin Tào Tháo đừng giết, thế nhưng Tào Tháo vẫn lôi Đổng Quý nhân ra xử tử. Phục hậu trông hết mọi sự kinh hãi, viết thư báo cho cha là Phục Hoàn, kể hết sự tình của Tào Tháo, cùng mưu trừ diệt đi[8][9].

Nhưng Phục Hoàn không dám ra tay, sang năm Kiến An thứ 14 (209), Phục Hoàn mất, con trai là Phục Điển (伏典) thừa tự.